Bình Chánh tổ chức Hội thi qua hình thức sân khấu hóa với Chủ đề Đã uống rượu, bia - không lái xe
Bình Chánh tổ chức Hội thi qua hình thức sân khấu hóa với Chủ đề Đã uống rượu, bia - không lái xe
Để ngăn chặn, hạn chế tình trạng xuất khẩu lao động (XKLĐ) trái phép, các cơ quan chức năng và các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó tích cực tư vấn, đào tạo nghề, tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi để người dân có nhu cầu lao động ở nước ngoài được đi XKLĐ theo đúng quy định.
Khu dân cư tổ dân phố Nam Hải, phường Trung Sơn (TP Sầm Sơn) đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tích cực tố giác hành vi môi giới xuất cảnh trái phép.
Một số xã của huyện Quảng Xương như Quảng Nham, Quảng Văn, Quảng Thạch, Quảng Long... từng là điểm “nóng” của tình trạng lao động vượt biên bất hợp pháp sang Trung Quốc sinh sống và lao động, đã có không ít trường hợp bị tử vong nơi đất khách, bị bắt giữ tại nước sở tại, không thể trở về quê hương. Những trường hợp rủi ro ấy còn để lại gánh nặng cho người thân và gia đình ở quê nhà. Trước thực trạng trên, những năm gần đây UBND huyện Quảng Xương đã chỉ đạo chính quyền các địa phương và lực lượng công an tăng cường công tác tuyên truyền về những hệ lụy của việc xuất cảnh bất hợp pháp, các mức xử phạt của hành vi này; đồng thời tư vấn các chương trình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động với những quyền lợi và mức lương ổn định... Năm 2023, toàn huyện đã đưa được 719 người đi XKLĐ, đạt 239% so với kế hoạch đề ra. Trên địa bàn huyện không phát hiện trường hợp nào vượt biên đi lao động trái phép ở nước ngoài, số lao động đi XKLĐ theo hợp đồng cũng tuân thủ các quy định, không trốn ra ngoài lao động bất hợp pháp.
Theo số liệu của UBND tỉnh (tại Văn bản số 3030/UBND-KSTTHCNC ngày 8/3/2024 về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lợi dụng du lịch, thăm thân, XKLĐ xuất cảnh ra nước ngoài rồi trốn ở lại lao động bất hợp pháp), trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 công dân xuất cảnh ra nước ngoài thăm thân, du lịch, giải quyết việc riêng, trên 14.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, hơn 2.600 công dân cư trú, lao động bất hợp pháp tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và một số nước châu Âu; có 21 công ty du lịch lữ hành có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, hơn 60 doanh nghiệp có chức năng XKLĐ.
Để hạn chế tình trạng lao động xuất khẩu xuất cảnh trái phép, thời gian qua Công an tỉnh đã triển khai hiệu quả các biện pháp công tác để phát hiện, đấu tranh, xử lý các đối tượng, đường dây tổ chức đưa người xuất cảnh ra nước ngoài trốn ở lại lao động bất hợp pháp. Trong năm 2023, Công an tỉnh đã điều tra, xử lý 1 công ty du lịch và 4 đối tượng tổ chức cho người khác trốn ở lại Hàn Quốc thông qua con đường du lịch; 1 công ty môi giới XKLĐ và 1 cá nhân có dấu hiệu nghi vấn môi giới đưa người đi làm việc tại các công ty đánh bạc trực tuyến tại Philipines và Thái Lan thông qua con đường du lịch; 4 trường hợp đi du lịch Đài Loan theo chương trình visa đặc biệt năm 2019 trốn ở lại (trong vụ 148/152 khách du lịch Việt Nam trốn ở lại); 23 trường hợp công dân Thanh Hóa xuất cảnh bằng hình thức du lịch sang Philipines và Myanmar làm việc tại các công ty của Trung Quốc và bị lừa bán vào các casino; 3 trường hợp lấy danh nghĩa lãnh đạo doanh nghiệp đi theo đoàn công tác của VCCI Thanh Hóa thăm, làm việc tại TP Seongnam - Hàn Quốc...
Tư vấn cho người lao động tại Phiên giao dịch việc làm tại thị xã Nghi Sơn.
Dự báo trong thời gian tới, hoạt động lợi dụng du lịch, thăm thân, XKLĐ để xuất cảnh ra nước ngoài trốn ở lại lao động bất hợp pháp nhằm né tránh các yêu cầu về đào tạo, cấp chứng chỉ nghề, ngoại ngữ, không phải chứng minh tài chính, thủ tục nhanh gọn sẽ có những diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh nhu cầu lao động phổ thông ngày càng tăng tại một số nước, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Úc, Đài Loan... Để bảo đảm môi trường lành mạnh trong hợp tác du lịch, XKLĐ với các nước, đồng thời phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lợi dụng du lịch, thăm thân, XKLĐ xuất cảnh ra nước ngoài trốn ở lại lao động bất hợp pháp. Huy động sự vào cuộc của chính quyền cấp cơ sở và các ban, ngành, liên quan tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng môi giới đưa người đi lao động trái phép theo con đường du lịch, thăm thân và những hệ lụy của việc xuất cảnh trốn ở lại nước ngoài lao động bất hợp pháp. Huy động sự vào cuộc của chính quyền cấp cơ sở và các ban, ngành, liên quan trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an làm tốt công tác quản lý Nhà nước về cư trú, quản lý hộ tịch tại địa phương; tổ chức các đợt cao điểm về phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh trốn ở lại lao động bất hợp pháp. Đồng thời, tích cực giới thiệu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tuyển dụng, giải quyết việc làm cho các trường hợp lao động bất hợp pháp khi trở về địa phương.